nhom Rung Xanh

nhom Rung Xanh
Truong BuPrang

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

“ĐÊM HỘI TRĂNG RẰM NĂM 2011” CHO CÁC EM NHỎ TẠI XÃ QUẢNG TRỰC – TUY ĐỨC – ĐẮC NÔNG

Nằm trong khu vực chuyển tiếp từ tây nguyên xuống đồng bằng Nam bộ với diện tích 25.926 ha cùng nhiều loài động thực vật quí hiếm Vườn quốc gia Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước là lá phổi xanh của cả miền Đông nam bộ và các tỉnh lân cận…
Xã Quảng Trực huyện Tuy Đức tỉnh Đắc Nông là một trong 3 xã vùng đệm của Vườn. Nhằm tạo không khí vui chơi vui vẻ cho các em thiếu nhi, thể hiện sự quan tâm của Vườn, các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể đóng chân trên địa bàn… tới các em nhỏ nhân ngày Tết trung thu đồng thời động viên các em trong phong trào học tập, khuyến khích thúc đẩy các em tham gia vào công tác tuyên truyền giáo dục môi trường,  bảo vệ rừng của Vườn. Chiều tối ngày 11 tháng 9 năm 2011 ( tức ngày 14 tháng 8 năm 2011) Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng – Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã phối hợp với UNND xã Quảng Trực huyện Tuy Đức tỉnh Đắc Nông, Chi đoàn xã, Giáo viên trường A Ma Trang Lơng, trường cấp II xã  Quảng Trực huyện Tuy Đức tỉnh Đắc Nông tổ chức đón Tết Trung thu năm 2011 cho các em nhỏ tại Trường A Ma Trang Lơng.

Mặc dù điều kiện thời tiết không được thuận lợi, trời mưa, đường sá đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng những cán bộ tổ chức cùng hàng trăm các em nhỏ tham gia đã đón một tết trung thu đầy vui vẻ và thắm đượm tình đoàn kết.

Các em nhỏ ngồi kín các lớp học để cùng nhau ôn lại ý nghĩa, lịch sử của ngày Tết Trung thu, cùng nghe thư chúc Tết trung thu của Chủ tịch nước. Những tiết mục văn nghệ do chính các em biểu diễn, những trò chơi, hoạt động vui nhộn…. Do các cán bộ tuyên truyền của trung tâm giáo dục môi trường  - Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tổ chức cho các em được diễn ra trong suốt buổi liên hoan. Cùng nhau hát hò, cùng chơi trò chơi cùng nhau phá cỗ…để rồi chia tay đầy lưu luyến là cảm súc của những người tham gia trong “Lễ Hội Trăng Rằm năm 2011”
                                                                                      Trường Giang

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Bù Gia Mập hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5.6.2011

Bù Gia Mập hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5.6.2011
Hưởng ứng phong trào làm sạch môi trường trên khắp hành tinh và các tỉnh thành khác trên cả nước, ngày 03/6/2011 Ban Quản Lý Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập đã giao cho trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng của  Vườn tổ chức hưởng ứng ngày môi trường thế giới tại xã Bù Gia Mập, với sự tham gia của hàng trăm người ở các đơn vị đóng chân trên địa bàn, các cộng đồng địa phương, các chi đoàn của các thôn và các em học sinh trường cấp 1, 2 của xã Bù Gia Mập…

Sau không khí trang trọng của buổi mít tinh hưởng ứng ngày môi trường thế giới là nhiều hoạt động được diễn ra như: Phong trào làm sạch vệ sinh môi trường, tuyên truyền lưu động tại khắp các thôn bản của xã. Tổ chức các hoạt động thu gom túi ninon, chai nhựa, rác thải, phát quang bụi rậm dọc các tuyến đường của xã Bù Gia… Qua sự kiện này, đã nâng cao được nhận thức của người dân, sự quan tâm của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương về việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng thực sự quan trọng đối với cuộc sống của con người trên khắp hành tinh.
    Một số hình ảnh hoạt động:


          Trước hàng loạt những biểu hiện ô nhiễm, suy thoái về môi trường, biến đổi khí hậu, gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của con người trên toàn hành tinh. Vào ngày 5 tháng 6 năm 1972, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã chọn là ngày môi trường thế giới. Mục đích của ngày này là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới và tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị vào hành động bảo vệ môi trường. Đến nay đã có hơn 100 nước trên thế giới tham gia tổ chức hưởng ứng ngày môi trường thế giới, và Việt Nam của chúng ta tham gia sự kiện này từ năm 1982, kể từ đó, cứ đến ngày này các tỉnh thành trên cả nước lại nhiệt liệt hưởng ứng ngày môi trường thế giới, năm nay. Mỗi năm Liên hợp quốc lại lấy một chủ đề riêng để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền về ngày môi trường thế giới, cũng như các hoạt động cổ động trên toàn cầu. Năm 2011 với chủ đề: “Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên” và năm 2011 cũng là năm Chương trình Liên hợp quốc (UNEP) chọn là năm quốc tế về rừng, với mục đích thúc đẩy việc quản lý bảo tồn và phát triển tất cả các loại rừng phòng chống phá rừng và suy thoái rừng,bảo vệ môi trường sinh thái.
Năm nay Bộ tài nguyên và môi trường kết hợp với Trung ương đoàn thanh niên tổ chức ngày môi trường thế giới tại tỉnh Bắc Cạn.

                                                               Trường Giang




Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Bức thư đạt giải nhất của Huỳnh Minh Hiếu

Chủ đề cuộc thi: "Hãy tưởng tượng mình là một cây sống trong khu rừng. Hãy viết thư cho một người nào đó, để nói vì sao việc bảo vệ rừng là rất quan trọng"
Họ và tên: Huỳnh Minh Hiếu
Sinh ngày: 24/9/1997
Dân tộc: Kinh
Địa chỉ: Lớp 8/1, Trường Trung học cơ sở Hoa Lư, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh
Rừng Amzon, ngày 16/2/2011
Kính gửi ngài Josehp Sepp Blatter kính mến!
Tôi cũng khá lo lắng khi viết bức thư này cho vị Chủ tịch FIFA. Tôi biết rằng ngài rất bận rộn với một núi công việc, nhưng xin ngài hãy dành chút ít thời gian để đọc bức thư của tôi như ngài đang đọc bức thư của người hâm mộ môn thể thao vua.
Tôi là cây Tùng 500 tuổi sống trong đại gia đình Amazon. Tôi biết đến ngài và môn bóng đá nhờ được nghe cô Gió kể lại rằng đất nước tôi đang sinh sống sắp tổ chức World Cup. Tôi lại càng háo hức nhưng cũng cũng buồn thay.
Ngài hiểu tại sao không? Đơn giản, từ những sự kiện gần đây tôi mới nhận ra rằng: "Bảo vệ rừng cũng giống như một trận chung kết bóng đá: Một là thắng, hai là bại!". Ngài không cười vì những gì tôi nói chứ?
Vài trăm năm trước đây, khi các nhà khoa học phương Tây và Bắc Mỹ đến khai phá vùng đất Nam Mỹ trù phú này, trong tay họ là biết bao dụng cụ kỳ lạ mà tôi chưa hề biết đến: la bàn, ống nhòm, súng săn... và còn có cả những cuốn sách dày cộm toàn là chữ với những hình vẽ hoa lá cây cối. Đôi khi họ còn kẹp những chiếc lá bên đường vào trang sách. Thật thú vị! Chắc họ là những nhà sinh vật học. Nghe mẹ tôi kể lại, xưa kia con người rất ít. Thỉnh thoảng mới bắt gặp họ đi lang thang trong rừng, mặc khố lá, vũ khí toàn những giáo mác, dao rựa thô sơ... Họ đến đây chỉ để tìm củi khô, vài con thú nhỏ, ít rau rừng. Họ chẳng làm gì hại đến chúng tôi cả, thậm chí họ còn tôn thờ rừng như một vị thánh, người mẹ cung cấp cho họ tất cả mọi nhu yếu phẩm cần thiết. Nhưng, con người phát triển nhanh thật. Họ thay đổi thế giới một cách chóng mặt. Nghe cô Gió kể lại, những bản làng trước kia nay đã trở thành những khu đô thị sầm uất. Các vùng đất hoang vu mà không ai biết tới nay đã mọc lên các khu công nghiệp đồ sộ, nhả khói ngút trời.
Càng kể, tôi càng thất vọng. Hàng triệu năm trước đây, con người vẫn chỉ là một loài vượn bình thường nếu không có những cây cối như chúng tôi làm nhà cho họ, cung cấp ô xi cho sự sống, cho vạn vật trên trái đất, thử hỏi cái tên mà con người đặt ra cho hành tinh của mình là "hành tinh xanh" có tồn tại hay không? Chúng tôi không tự đề cao chính mình mà giá trị, lợi ích của chúng tôi hoàn toàn là sự thật. Chẳng nói đâu xa, rừng Amazon mỗi năm thải ra hàng triệu tỷ mét khối ô xi cung cấp cho sự sống. Là cánh rừng lới nhất thế giới, hàng năm chúng tôi bảo vệ không cho xói mòn đất, duy trì nguồn nước, ngăn chặn những tác hại do lũ lụt, hạn hán gây ra. Hiện nay, chúng tôi đang là quê hương của khoảng 2,5 triệu loài côn trùng, hàng chục nghìn loài thực vật và khoảng 2 nghìn loài chim thú. Chỉ mỗi ngôi nhà chúng tôi mà đã tạo ra biết bao nhiêu lợi ích.
Tôi nói, ngài đừng buồn, nhưng rừng đã và đang bị phá hủy dần dần. Một phần là do đồng tiền kinh tế, lợi nhuận. Một phần là do sự thiếu hiểu biết của con người mà nên: đốt rừng làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc. Cứ mỗi năm, ngôi nhà của chúng tôi bị cắt mất một phần diện tích từ 415.000 km2 đến 587.000 km2. Trước kia, xung quanh tôi toàn là cây cỏ, muôn loài, bầu trời, măt đất... thì giờ đây, tôi có thể nhìn được phía xa xa là các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền mọc lên như nấm. Ngài biết hiệu ứng Domino chứ? Giả sử rừng không tồn tại, vạn vật thiếu ô xi; Đất không còn tồn tại, vạn vật chìm trong biển nước.
65 triệu năm trước, một thiên thạch khổng lồ đã làm tuyệt chủng nhiều loài động vật, trong đó có khủng long. Còn giờ đây, mẹ Trái Đất đang phải từ từ chấp nhận ngày tận thế không phải do thiên thạch hay biến cố gì khác ngoài vũ trụ mà là những đứa con "thần đồng" tạo hóa sinh ra. Con người đã phải nhắc đến và đau đầu vì cụm từ "biến đổi khí hậu" do chính mình viết nên, gây nên hiện tượng Ennino, làm thủng tầng ozon, hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng lên, băng hai cực tan chảy. Con người đang từng bước đi ngược với quy luật của tạo hóa. Không thể tin được khi con sông Amazon lại cạn khô với mực nước thấp kỷ lục. Hàng trăm vụ cháy rừng ở Nga, Australia và nhiều quốc gia khác. Sóng thần, bão tố luôn ập đến các vùng ven biển bất cứ lúc nào. Dự đoán mực nước biển sẽ dần tăng thêm 1 mét vào năm 2050... Thật kinh khủng!
Nãy giờ, tôi cứ bàn về vấn đề môi trường chắc cũng làm ngài có chút gì đó lo sợ. Thôi thì ta hãy chuyển sang vấn đề bóng đá - sở trường của ngài. Cũng như tôi đã nói với ngài ngay từ đầu: Bảo vệ rừng - một trận đấu sinh tử. Cũng rất đơn giản, con người đã và đang chọn những mặt sân béo bở như rừng để đá trái bóng lợi nhuận qua đó. Quả bóng ấy đi đến đâu, con người sẽ vơ vét cạn kiệt nguồn tài nguyên phong phú như ở đó. Khi những cánh rừng đã chết, con người sẽ tiếp tục đá trái bóng đó ở các mặt sân khác như biển, lòng đất... Họ sẽ hạ gục tất cả các hàng phòng thủ tự nhiên để tạo một cú ghi bàn tuyệt đẹp. Họ sẽ không ngờ, pha làm bàn ấy là cái chết cho chính họ. Nếu họ biết "chơi" một cách hợp lý và tái tạo "mặt sân", họ sẽ luôn được chơi tự do, thoải mái mà không sợ "đá phản lưới nhà".
Hy vọng rằng, những điều mà tôi nói, ngài sẽ ghi nhớ. Bóng đá là môn thể thao vua, nó khiến cho mọi người trên hành tinh này say mê theo từng đường bóng. Tại sao ngài lại không dùng bóng đá để để truyền đi thông điệp bảo vệ rừng nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung. Vì sao ngài không cùng hội đồng FIFA tổ chức một cuộc họp để mạnh dạn đưa ra quyết định: Quốc gia nào bảo vệ tốt việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sẽ được đăng cai tổ chức World Cup. Ngài và các cộng sự có thể khuyến khích các đội tuyển quốc gia, các câu lạc bộ thay đổi màu áo, logo mang thông điệp bảo vệ rừng. Các fan hâm mộ thường yêu thích và làm theo thần tượng của mình. Thế nên, các ngài có thể vận động mỗi cầu thủ trở thành một đại sứ thiện chí trong việc giữ gìn màu xanh của rừng.
Chưa muộn để vẽ lại màu xanh cho Trái Đất từ những việc làm nhỏ cho đến những hội nghị lớn. Với tư cách là một fan hâm mộ bóng đá, tôi khuyên các bạn bảo vệ rừng chính là bảo vệ môn thể thao vua. Còn với tư cách là một người con của mẹ Thiên Nhiên, các bạn hãy nhớ: "Bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta!".
Một fan hâm mộ bóng đá                                                                   
Cây Tùng

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

http://www.thiennhien.org/

Bảo vệ rừng? Hãy bắt đầu từ sự thay đổi phong cách sống!

Bảo vệ rừng? Hãy bắt đầu từ sự thay đổi phong cách sống! 
 

Thay đổi phong cách sống, đó chính là cách đơn giản và hiệu quả nhất  bạn có thể làm để bảo vệ rừng. Rừng đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, tạo sinh kế đồng thời là nơi sinh sống của thực vật, động vật trong đó có con người và giữ gìn bầu không khí trong lành.
Trước mức độ ô nhiễm môi trường toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng,  rừng được ví như là “lá phổi của trái đất”. Phá rừng và suy thoái rừng do khai thác gỗ vì mục đích thương mại, cháy rừng và khai thác gỗ làm chất đốt đã thải ra khoảng 20% khí gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân làm biến đổi khí hậu.
Lợi ích của rừng
Được coi là một trong các nguồn tài nguyên thiên nhiên, rừng cung cấp nhiều sản vật phục vụ cuộc sống, như: gỗ, củi đốt, nhựa cây, nguyên liệu làm giấy và cây thuốc… Rừng góp phần duy trì chất lượng và nguồn nước sạch. Hơn ¾ lượng nước sạch trên trái đất bắt nguồn từ rừng. Chất lượng nước suy giảm cùng với sự suy giảm chất lượng và diện tích che phủ của rừng, thiên tai như lũ lụt, lở đất và thoái hóa đất đã gây ra những tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của con người và các sinh vật trên trái đất.
Điều ít người nghĩ đến là những sản phẩm và dịch vụ do rừng đem đến lại thực sự cần thiết và hiện hữu trong từng hoạt động của đời sống. Rừng điều hòa nước các dòng sông trên thế giới, đảm bảo chất lượng nước, cung cấp gần một nửa lượng nước cho các thành phố lớn nhất nhì thế giới, từ thủ đô Caracas của Venezuela tới thành phố New York của Mỹ.
Thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu
Một điều rất rõ rằng rừng đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu; rừng lưu giữ cacbon và hấp thụ CO2 từ không khí.
Đa dạng sinh học
Với đặc điểm là hệ sinh thái trên cạn có tính đa dạng sinh học cao bậc nhất, rừng là nơi trú ngụ của hơn một nửa số sinh vật trên cạn, từ loài linh trưởng khổng lồ tới những sinh vật bé nhỏ nhất.
Kinh tế và sinh kế
Rừng là nơi cư trú và đảm bảo sinh kế cho khoảng 60 triệu người dân bản địa, đồng thời góp phần tạo sinh kế cho trên 1,6 tỷ người trên trái đất.
Các sản phẩm và đa dạng sinh học
Những lợi ích có được từ rừng thậm chí còn vượt xa sự mong đợi. Tại các quốc gia đang phát triển, hơn 80% tổng năng lượng tiêu thụ trong sinh hoạt và sản xuất bắt nguồn từ rừng, cụ thể như củi đun, than. Buôn bán gỗ và các sản phẩm từ rừng ước tính đạt 330 tỷ đô la Mỹ/năm. Những lợi ích và giá trị do rừng đem lại được nhân lên trong vô số sản phẩm sử dụng hằng ngày trên thế giới. Việc sử dụng đa đạng di truyền từ rừng sẽ thúc đẩy quá trình nghiên cứu và chế tạo các loại thuốc mới, thúc đẩy tiến bộ trong khoa học và y tế.
Những con số
Rừng chiếm 31% diện tích đất tự nhiên, đồng thời là nơi cư trú của 80% các loài sinh vật sống trên cạn. Rất nhiều sinh vật có nguy cơ bị tuyệt chủng đang sống trong rừng. Bên cạnh đó, rừng còn là nơi cư trú của trên 300 triệu người trên toàn thế giới.
Ngày Môi trường thế giới và Rừng
Không chỉ là nơi sinh sống của thực vật, động vật trong đó có con người, rừng còn góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chỉ tính riêng năm 2005, việc kinh doanh các sản phẩm của rừng ước đạt 379 tỷ đô la Mỹ. Do đó, mất rừng và mất kiểm soát trong việc ngăn chặn vấn nạn mất rừng không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng tới môi trường, sự sống và cộng đồng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế trên thế giới.
Điều đáng lo ngại hơn nữa, hằng năm, khoảng 13 triệu ha rừng bị mất đi. Vì lẽ đó, rừng được lựa chọn là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2011 nhằm mục đích khuyến khích việc bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, đồng thời cũng hưởng ứng sáng kiến Năm Quốc tế về Rừng do Liên hợp quốc phát động.
Chúng ta đang làm gì?
Tháng 9 năm 2008, Liên hợp quốc đã triển khai Chương trình Giảm phát thải khí nhà kính thông qua giảm mất rừng và suy thoái rừng tại các nước đang phát triển (REDD).
Chương trình được xây dựng dưới sự phối hợp và giám sát của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) nhằm mục tiêu hỗ trợ các nước đang phát triển tổ chức và triển khai chiến lược REDD+ ở quy mô quốc gia.
Chương trình hiện có 29 nước tham gia, từ châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương và châu Mỹ La tinh. REDD+ được coi là một trong những sáng kiến hiệu quả nhất về mặt kinh tế nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần chặn đứng nguy cơ nhiệt độ trái đất tăng lên 2oC.
Bạn có thể làm gì?
Cách nhanh chóng và đơn giản nhất lúc này là hãy giúp mọi người ý thức được tầm quan trọng của rừng thông qua việc chia sẻ thông tin trên trang Web của Ngày Môi trường thế giới (http://unep.org/wed), tổ chức hoặc tham gia các hoạt động bảo vệ rừng hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới.
Các quốc gia nên xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích sử dụng rừng một cách bền vững; xây dựng các vành đai bảo vệ các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng và khuyến khích tái tạo rừng tại các khu vực bị hoang hóa.
Các công ty tư nhân có cơ hội để đầu tư vào “nền kinh tế xanh”, bên cạnh đó xây dựng ý thức trách nhiệm xã hội cho người tiêu dùng. Hãy trở thành người tiên phong trong việc chuyển hướng các chính sách của công ty tới nền kinh tế tăng trưởng bền vững!
Cộng đồng cũng giữ một vị trí quan trọng trong việc giám sát độc lập các tổ chức có liên quan đến rừng, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và hưởng ứng các sáng kiến bảo vệ rừng.
Cũng như các công ty tư nhân, mỗi cá nhân cũng có thể trở thành người tiêu dùng thông thái thông qua việc chọn mua các sản phẩm được chứng nhận bảo vệ môi trường. Điều này đồng nghĩa với việc khi mua các vật dụng, đồ gỗ, giấy hay bất kỳ sản phẩm nào, bạn hãy kiểm tra liệu sản phẩm đó có đảm bảo tiêu chí thân thiện với môi trường hay không, xem sản phẩm đã được dán nhãn sinh thái hay chưa.
Điều quan trọng hơn cả, bảo vệ rừng không chỉ là một hành động đơn lẻ mà phải là chuỗi hành động có tính thường xuyên, liên tục và lâu dài với mục tiêu thay đổi phong cách sống.
Phong cách sống mới của bạn đòi hỏi bạn phải luôn ý thức được vai trò của rừng trước mỗi sự lựa chọn, mỗi quyết định tiêu dùng và từng hành động cụ thể./.
                                                                                   ST

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Mục tiêu hoạt động, Nội quy sinh hoạt của câu lạc bộ

                             Mục tiêu hoạt động của câu lạc bộ- Khuyến khích các em học sinh học tập, tìm hiểu về thiên nhiên
- Giúp các em hình thành những hiểu biết cơ bản về thiên nhiên, đặc biệt là nhìn nhận, tự hòa về các nguồn tài nguyên trong khu vực đồng thời thấy được các mối đe dọa đến các nguồn tài nguyên này.
- Giúp các em hình thành các thái độ tích cực, đúng đắn trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên trong khu vực.
- Giúp các em có lối sôngs thân thiện với thiên nhiên bằng những việc làm tích cực, cụ thể với môi trường xung quanh.
- Giúp các em nâng cao khả năng tuyên truyền, vận động mọi người cùng tham gia trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống.
      Nội quy sinh hoạt trong CLB ( là thành viên của CLB các em phải hứa )
-         Không săn bắn, bẫy bắt động vật rừng.
-         Không khai thác lâm sản, chặt cây lấy củi, lấy phong lan trong Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập
-         Không mang lửa vào rừng nếu chưa có sự cho phép của các cán bộ bảo vệ rừng, và làm ảnh hưởng đến rừng Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập
-         Không chăn thả trâu bò vào rừng của Vườn Quốc Gia
-         Không vứt rác một cách bừa bãi
-         Luôn tuyền truyền cho bạn bè và những người xung quanh về giá trị, tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, hậu quả của việc tàn phá rừng, hủy hoại môi trường.

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Nguyễn Trúc Phương Nhàn(nho nhã): Lớp 6a trường THCS Bu Prăng

                               Hãy bảo vệ rừng
                               Toàn dân chung sức
                               Bảo vệ rừng xanh
                               Nơi đây muôn thú
                               Cây cối cỏ hoa
                               Là Bù Gia Mập
                               Có nhiều thú quý
                               Đã có nguy cơ
                               Tuyệt chủng mất rồi
                               Và tay con người
                               Chẳng bảo vệ rừng
                               Đan tâm hám lợi
                               Phá hủy môi trường
                               Đốt rừng làm nương
                               Phá rừng làm nhà
                               Rừng ta khốn khó
                               Thú rừng đau khổ
                               Vì không có nhà
                               Chúng ta bảo vệ
                               Rừng xanh trong lòng
                               Cây cảnh khoái chí
                               Được sống muôn đời
                               Muôn thú vui mừng
                               Có mái nhà sạch
                               Luôn luôn chắc khỏe
                               Con ngưởi mát mẽ
                               Vì có ôxi
                               Vì con cháu ta
                               Vì mọi con người
                               Hãy bảo vệ rừng
                               Rừng là tất cả
                               Rừng đẹp muôn nơi.